PHÒNG GD&ĐT NÚI THÀNH
TRƯỜNG MG VÀNG ANH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG MG VÀNG ANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-MGVA ngày 30 tháng 8 năm 2019)
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
1. Văn bản này quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo và quy tắc ứng xử của đội ngũ CBGVNV trường MG Vàng Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ với đồng nghiệp, học sinh (trẻ), phụ huynh và trong xã hội; quy tắc ứng xử văn hóa được áp dụng trong thời gian công tác tại trường và ngoài xã hội.
2. Đối tượng áp dụng là tất cả CBGVNV và trẻ của trường MG Vàng Anh năm học 2019-2020.
Điều 2. Mục đích xây dựng quy tắc ứng xử đối với CBGVNV.
1. Quy định các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử của CBGVNV khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp,các trẻ với phụ huynh trẻ và trong quan hệ xã hội.
2. Là căn cứ để nhà trường xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức và xử sự trong thực hiện nhiệm vụ và trong các mối quan hệ công tác, đồng thời là căn cứ để đánh giá xếp loại và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, viên chức.
3. Thực hiện công khai các hoạt động nhiệm vụ, công vụ và các mối quan hệ công tác của cán bộ, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
4. Là căn cứ để đánh giá, khen thưởng và xếp loại hằng năm.
Chương II:
QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO, CBQL, NHÂN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NHÀ TRƯỜNG.
I. Chuẩn mực đạo đức của đội ngũ nhà giáo, CBQL, NV, người lao động.
Điều 3: Phẩm chất chính trị
1. Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm túc chấp hành sự phân công của cấp trên; có ý thức vì tập thể sư phạm, luôn phấn đấu vì sự nghiệp chung, bảo vệ danh dự nhà trường, gìn giữ và phát huy truyền thống "Dạy tốt - Học tốt".
3. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.
Điều 4: Đạo đức nghề nghiệp
1. Tâm huyết với nghề nghiệp, yêu thích nghề dạy học; có ý thức giữ gìn danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã, dịu dàng với trẻ, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ, đồng nghiệp và cộng đồng.
2. Tận tụy với công việc được giao; thực hiện đúng Điều lệ, Quy chế, Nội quy của nhà trường, của ngành.
3. Công bằng trong công tác NDCSGD, đánh giá khách quan, đúng thực khả năng của trẻ; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
4. Có thiện chí, sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng thời luôn chân tình đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, cho lãnh đạo; thường xuyên tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
5. Có tinh thần giữ gìn và bảo vệ uy tín, phẩm chất, đạo đức Nhà giáo.
Điều 5: Lối sống, tác phong
1. Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2. Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.
3. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với trẻ; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo.
4. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cần thiết phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán chú ý của trẻ.
5. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh trẻ, đồng nghiệp và trẻ.
6. Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng, tôn trọng lẫn nhau; chăm sóc, giáo dục con cái học hành thật tốt, ngoan ngoãn, lễ độ; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng; thực hiện nghiêm chỉnh chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình.
7. Luôn ý thức có trách nhiệm đối với tương lai của mỗi trẻ, với tiền đồ của dân tộc.
Điều 6: Các thái độ của cán bộ, nhà giáo đối với trẻ
1. Cần thể hiện thái độ trung thực, gần gũi, tin cậy và cảm thông để có thể chia sẻ tình cảm với trẻ.
2. Tôn trọng trẻ, lắng nghe các ý kiến, quan tâm đến cảm xúc của trẻ, không làm cho trẻ bị lệ thuộc.
3. Tạo bầu không khí học tập tự giác, cởi mở, khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo học tập, tạo cơ hội công bằng đối với tất cả trẻ trong lớp.
II. Nội dung quy tắc ứng xử
Điều 7: Quy tắc ứng xử chung
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học.
2. Thực hiện tốt lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ người khác.
3. Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan sư phạm, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
4. Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
5. Không sử dụng trang phục gây phản cảm.
6. Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.
7. Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
8. Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
9. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Điều 8. Ứng xử của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
1. Ứng xử với trẻ: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.
2. Ứng xử với GVNV: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên; nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên; đoàn kết, dân chủ, công bằng, minh bạch. Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.
3. Ứng xử với cha mẹ trẻ: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ, thân thiện. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà, vụ lợi.
4. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, lịch sự, đúng mực. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Điều 9. Ứng xử của giáo viên
1. Ứng xử với trẻ: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của trẻ.
2. Ứng xử với CBQL: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
3. Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
4. Ứng xử với cha mẹ trẻ: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
5. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Điều 10. Ứng xử của nhân viên
1. Ứng xử với trẻ: Ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, trách nhiệm, khoan dung, giúp đỡ. Không gây khó khăn, phiền hà, xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với CBQL,GV: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, hợp tác; chấp hành các nhiệm vụ được giao. Không né tránh trách nhiệm, xúc phạm, gây mất đoàn kết, vụ lợi.
3. Ứng xử với đồng nghiệp: Ngôn ngữ đúng mực, hợp tác, thân thiện. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết, né tránh trách nhiệm.
4. Ứng xử với cha mẹ trẻ và khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Điều 11. Ứng xử của cha mẹ trẻ
1. Ứng xử với trẻ: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với CBQL,GVNV: Tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
3. Chào hỏi niềm nở, chỉ dẫn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cha mẹ trẻ, giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo…
4. Xác lập mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường và gia đình; thường xuyên trao đổi để cùng phối hợp giáo dục trẻ tiến bộ; tạo mọi điều kiện giúp đỡ trẻ tích cực tham gia các hoạt động.
5. Giữ vững mối quan hệ nhưng không lợi dụng tình cảm hoặc tiền bạc của cha mẹ trẻ, vụ lợi cá nhân làm mất uy tín nhà giáo.
Điều 12. Ứng xử của khách đến cơ sở giáo dục
1. Ứng xử với trẻ: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, thân thiện. Không xúc phạm, bạo lực.
2. Ứng xử với CBQL,GVNV: Đúng mực, tôn trọng. Không bịa đặt thông tin. Không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Chương III
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của CBQL, GVNV, người lao động nhà trường
1. Có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại quy tắc này.
2. Có trách nhiệm vận động các đồng nghiệp thực hiện đúng các quy định tại Quy tắc này; khi phát hiện CBGVNV của trường vi phạm quy tắc nayfphair kịp thời góp ý để họ sửa đổi, đồng thời phản ánh với BGH.
Điều 14. Trách nhiệm của BGH nhà trường
1. Công khai Quy tắc ứng xử trong nhà trường đến toàn thể CBGVNV và niêm yết tại bảng tin của nhà trường. Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trong CBQL, GVNV, người học và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy tắc này, làm căn cứ để đánh giá, xếp loại CBGV,NV
3. Kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy tắc này của CBGVNV. Phê bình , chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đối với CBGVNV của nhà trường.
Nơi nhận:
- Phòng GDĐT (b/c);
- Các tổ, bộ phận (t/h);
- CMT;
- Lưu: VT. |
HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Na |