Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên, bệnh được muỗi vằn( muỗi Aedes Aegypty) hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Bệnh rất nguy hiểm vì: Lan truyền nhanh làm nhiều người mắc bệnh cùng một lúc; Chưa có thuốc điều trị đặc trịvà vắc xin phòng bệnh; Có thể gây tử vong, nhất là trẻ em. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm. Hiện nay, tình hình dịch Sốt xuất huyết (SXH) tại các tỉnh miền Trung đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Làm sao nhận biết trẻ bị Sốt xuất huyết? Khi thấy trẻ có: – Nóng sốt: Sốt cao đột ngột 39-400 C, kéo dài liên tục trong 2-7 ngày liền, khó làm hạ sốt. – Xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, vết bầm trên da.
Làm gì khi nghi ngờ trẻ bị Sốt xuất huyết?
Trường hợp nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà bằng cách: – Hạ sốt bằng cách lau ấm hoặc dùng thuốc Paracetamol, tuyết đối không dùng Aspirin. – Bù dịch bằng cách cho uống nhiều nước, nước trái cây hoặc dùng dung dịch Oresol (nước biển khô). – Cho ăn nhẹ: Cháo, súp, sữa. – Không cạo gió, cắt lể. Phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu nặng như: Vật vã, li bì, đau bụng, ói mửa (nôn), tây chân lạnh.Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời, không tự ý ở nhà điều trị;
Phòng Sốt xuất huyết bằng cách nào?
Muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước (lu, khạp, hồ, lon đồ hộp, vỏ xe, gáo dừa có chứa nước…), trứng nở thành lăng quăng, sau đó thành nhộng rồi thành muỗi trưởng thành. Trứng và nhộng rất khó nhìn thấy. Do đó diệt lăng quăng là cách phòng Sốt xuất huyết dễ làm và rẻ tiền nhất.
Làm thế nào để diệt lăng quăng?
Lăng quăng gây bệnh Sốt xuất huyết chỉ sống ở những nơi nước sạch. Do đó, cần phải để ý đến tất cả các vật chứa nước ở trong và ngoài nhà. 4.1. Trong nhà: – Làm nắp đậy kín các lu, khạp chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng. – Thường xuyên cọ rửa, thay nước ở lu, khạp, bình bông ít nhất 1 tuần một lần. – Thả cá ăn lăng quăng: Dùng các loại cá nhỏ, có sẵn thả vào các lu, hồ chứa nước để ăn lăng quăng. – Bỏ muối (hay đổ dầu cặn) vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn. 4.2. Ngoài nhà: – Không để đọng nước trong các hốc cây, máng xối… – Tổng vệ sinh môi trường, thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết (vỏ đồ hộp, vỏ xe cũ, chai lọ, mảnh lu khạp bể, gáo dừa…).
Phòng và diệt muỗi:
– Cho trẻ mặc áo dài tay. – Ngủ mùng kể cả ban ngày. – Làm rèm che các cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà. – Dùng nhan trừ muỗi trong những giờ muỗi thường cắn nhất (sáng sớm và chiều tối). – Tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, không treo quần áo bừa bãi có tác dụng làm giảm bớt chổ trú ngụ của muỗi – Dùng bình xịt muỗi loại nhỏ tại nhà. – Phun diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn (một tổ, ấp khu phố…) chỉ thực hiện khi đúng chỉ định của cơ quan y tế địa phương (khi có dịch). – Thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, thói quen rửa tay, đảm bảo phòng ốc, công trình cấp nước, công trình vệ sinh phải sạch sẽ; thường xuyên lau chùi sàn nhà, mặt bàn, ghế, đồ chơi, đồ dùng học tập… bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc Chloramin B.
Nên biết và cần tuyên truyền:
– Muỗi vằn là thủ phạm, lăng quăng là nguồn gốc của sốt xuất huyết. – Diệt lăng quăng là cách phòng sốt xuất huyết dễ làm và rẻ tiền nhất. – Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và tư vấn kịp thời, không tự ý ở nhà điều trị. – Thực hiện tốt các hành vi vệ sinh cá nhân, thói quen rửa tay với xà phòng. Tổng dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên lau chùi sàn nhà, đồ chơi bằng các dung dịch sát khuẩn như Cloramin B. – Không có lăng quăng, không có bọ gậy không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.